Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Chơi non bộ - một nghệ thuật kiến trúc

Non bộ là núi giả (giả sơn) kết hợp với không gian, thời gian, sự tích, điển tích tạo thành. Hay nói một cách khác, non bộ là một vùng non nước trời mây thu nhỏ lại, làm cảnh cho con người qua bàn tay nghệ nhân tái tạo. non bộ còn là một nghệ thuật kiến trúc cổ và hiện đại.



Lịch sử chơi non bộ bắt nguồn từ đời nhà Hán (Trung Quốc). Theo tài liệu của Võ Văn Chí, Dương Ngọc Minh, Trịnh Minh Tân: Nhà cư phú Viên Quảng Hán trong tác phẩm "Cấu thạch vi sơn" (Dựng đá làm núi) đã nêu lên sự phát triển hòn non bộ. Những bức họa trên tường đời Đông Hán (25 - 220 sau Công nguyên) còn được lưu lại có cảnh cây trồng trong chậu từ thời đó, có kèm theo vài tảng đá. Những tranh sơn thủy cũng như thơ văn ca tụng núi non, sông nước và những hiểu biết về mỹ học đã dần dần lý luận cho sự phát triển nghệ thuật tạo phong cảnh non bộ ở các đời sau. Vào đời nhà Đường (618 - 907) sự phát triển cao độ của tranh sơn thủy và lý luận mỹ học đã bắt đầu cho giai đoạn hoa viên, tràn đầy thơ tình, họa ý... Do đó ở các mảnh vườn, mảnh đất hoang trống cạnh nhà, người ta tạo ra các hòn non bộ thể hiện ý nghĩa chân thực của núi sông hùng vĩ, sơn thủy hữu tình.


 Ở nước ta từ những kỷ nguyên xa xưa, vào năm 2879 trước công nguyên, nước Văn Lang là nhà nước đầu tiên do tổ tiên ta lập nên vào thời kỳ đồ đồng. Một nền văn minh rực rỡ đã xuất hiện: Sông Hồng của trống đồng và ruộng nước. Mối giao lưu giữa ta và Trung Quốc đã bắt nguồn. Thời Thành Vương nhà Chu (1063 - 1026 trước Công nguyên) nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu có hiến chim trĩ trắng. Thời kỳ nhà Thục, vào năm 221 trước Công nguyên, Có Lý Ông Trọng người ở Từ Liêm (Hà Nội) đã trốn sang nước Tần (Tần Thủy Hoàng Lữ Chinh, năm thứ 26) làm quan đến chức Tư lệ hiệu ủy, mất lúc về già ở làng Đền Chém, ngoại thành Hà Nội là nơi thờ ông. Sau này nước ta bị xâm chiếm, một số người như: Lý Cẩm, Trương Trong, Khương Công Phu cũng sang làm quan ở Trung Quốc.




Chính từ những nguồn gốc ấy, việc chơi non bộ ở nước ta và ở Thủ đô bắt nguồn, hình thành và có ảnh hưởng của người Trung Quốc từ đó. Người Việt Nam nói chung, người Hà thành nói riêng lấy cảm hứng từ những ngọn núi Făng-xi-păng, dãy núi Hoàng Liên Sơn, vịnh Hạ Long, chùa Hương Tích, Chi Nê, Mỹ Đức, vùng núi cao Tây Nguyên ...v..v... làm đề tựa cho các tác phẩm non bộ ở các khu di tích, chùa triền, hoặc ở gia đình làm phong cảnh chơi giả sơn.
Một số non bộ đã có từ lâu đời ở Hà Nội như: vùng núi Nùng (Bách Thảo), khu Vân Hồ, chùa Quan Thánh, Quốc Tử Giám... Người chơi Non Bộ ngày nay còn học tập và lấy kinh nghiệm của một số nước trên thế giới như Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản..v...v... Người Nhật chơi non bộ khác ta và người Trung Quốc ở chỗ không cấu trúc các đồ sành sứ, gốm vào núi. Nếu có ảnh hưởng họ chỉ đưa vào rất ít mà chủ yếu là bố trí cây cảnh theo cách Nhật Bản, có nghĩa là cây theo dáng, tán, khóm... Chứ không làm thế như ở Việt Nam và Trung Quốc. Người Nhật coi cỏ cây non nước là vô địch, là thiên đàng, George Ohsawa đã viết trong cuốn "Hoa đạo": Chỉ có những người thiếu tâm hồn mới không nghe được tiếng nói của hoa lá, cỏ cây... Hoa có tiếng nói của hoa, cũng như tất cả những cảnh đẹp, thiên nhiên đều có tiếng nói... Biển cả, đại dương, sông núi, ruộng đồng đều bày tỏ hùng hồn làm cho con người thấm thía, không còn gì để nói thêm, mà có nói thì cũng nghèo nàn thô thiển, chẳng đáng ào đâu so với tiếng nói của muôn đời ấy. Ở Việt Nam, thi sĩ Tản Đà khi ở Thiên Thai ngắm núi, ngắm cảnh thiên nhiên đã làm bài thơ "Tống biệt":

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
 


Rõ ràng là núi, động, hang, thung lũng đã làm cho con người thanh thản, ray rứt, lưu luyến. Và có khi bừng tỉnh để vượt lên tất cả mọi trở lực. Người chơi núi còn thấy mình nhỏ bé trươc thiên nhiên cảnh vật. Khi trở về già nhớ tiếc thời thơ ấu, thời niên thiếu đã đem tuổi thanh xuân rời non, lấp biển... Để rồi nhập cả hồn mình vào hai bàn tay tạo ra non bộ, làm cho cảnh vật sống động ngoài thiên nhiên. Người chơi non bộ, mang cả núi, cả biển về nhà mình! Tùy theo kỷ niệm, hoặc ý thích của từng người. Có người thích chơi núi ở đất cạn, có người thích chơi núi trong bể cảnh. Người thích các dáng núi, thế núi Phương Nam, người thích thế núi, dáng núi Phương Bắc. Tất cả những điều ấy không ràng buộc như chơi cây thế. Nhưng cái khó ở chỗ đục núi, ghép núi, cách trình bày sao cho hợp lý, không gượng ép để khi ngắm thấy được sự hùng vĩ, hiểm trở, hoặc thấy được phong cảnh thơ mộng, hữu tình. Các đường nét, các hang động, rêu phong, đường mòn, một chú tiểu phu, một vài con khỉ ngồi chênh vênh ..v..v... chính là ngôn ngữ của non bộ.
Có nhiều loại đá để tạo non bộ: Đá trơ (lũa), đá vôi, đá trầm, đá san hô, đá tai mèo, đá ẩm thủ ...v...v... Người chơi núi phải biết chọn đá cho phù hợp với góc sân, mảnh vườn, thềm hiên nhà mình. Nếu là nơi công cộng phải am hiểu tính chất, lịch sử cảnh quan đó để đưa non bộ vào cho phù hợp. Kể cả tích núi lẫn chất đá đều phải theo một quy luật phục vụ cho nội dung của nơi công cộng ấy.



Ở Hà Nội hiện nay, một số khách sạn và một số gia đình nghệ nhân chơi núi, có nhiều quả núi đẹp. Song nhiều đình chùa, cơ quan việc đắp núi, ghép non bộ còn quá đơn giản. Có những quả núi như một đụn rạ, lùm cây... Trông thô thiển không rung động lòng người. Người chơi núi và người làm núi với cảnh vật non bộ tuy là hai, ba, nhưng lại hòa nhập làm một. Con người là bộ phận của thiên nhiên, song nhiều lúc thiên nhiên lại "tách" ra làm bầu bạn với con người. Làm cho con người trở thành đam mê có khi còn si mê trước thiên nhiên, cảnh vật. Thú chơi non bộ là một trong những hiện tượng ấy.
Nguyễn Trãi đã viết trong bài "Ngôn chí":
Dấu người đi là đá mòn
Đường hoa vướng vít trúc luồn
Cửa song dài xâm hơi nắng,
Tiếng vượn vang kêu cách non
Cây rợp tán che am mát
Hồ Thanh Nguyệt hiện bóng tròn
Có nằm, hạc lặn nên bầy bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái non.

CÔNG TY TNHH TM - ĐÁ TRANG TRÍ MINH ANH - (xem Bản đồ)
Địa Chỉ: 13/3 Quách  Văn Tuấn  (ngay sau Pico Plaza Cộng Hòa ) - Phường 12 - Q.Tân Bình
Tel:38.112.102 - 36.011.423 - Fax: 38.112.728 - Hot: 0903.759.159
Giờ làm việc: 8h - 17h00 từ thứ 2 đến thứ 7
Email: datrangtri@gmail.com


http://www.honnonbodep.net/choi-non-bo-mot-nghe-thuat-kien-truc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét